Nhân ngày sinh nhật, nhìn lại một chặng đường dài phấn đấu

Hôm nay (11.10), đúng ngày sinh nhật.

Giật mình thoáng cái đã đi quá nửa đời người.

Cái gì muốn để lại cho con cái, cho các học trò đây?

Tôi muốn để lại một bài học, là làm người, phải biết vượt qua khó khăn thử thách. Mà thử thách lớn nhất của đời người là vượt qua khẩu nghiệp.

Phật dạy: KHẨU NGHIỆP là cái nghiệp lớn nhất của con người:
http://www.dntgiang.com/…/khau-nghiep-la-nghiep-nang-nhat-c…

Qủa đúng như vậy.

Trong ngàn cái khổ, thì cái khổ nhất của con người là cái khổ trong tâm, tức là miệng tiếng. Ai đã từng bao giờ bị vu oan giá họa? bị bôi nhọ và bị người khác “gắp lửa bỏ vào bàn tay” bao giờ chưa? Đó là cái khổ nhất. Và Ngài đã dạy, phải biết bỏ qua, “vứt đi” để sống và làm việc của mình.

Nhưng vượt qua được, vứt đi được, là cả một sự nỗ lực không đơn giản chút nào.

Một khẩu nghiệp lớn mà tôi phải gánh chịu, đó là danh hiệu viện sỹ.

Khẩu nghiệp ấy, vận vào tôi, cách đây hơn 10 năm, và đúng thời điểm đang tràn đầy nhiệt huyết. Từ năm 2005, tôi đã là một Trưởng ban trẻ nhất của ĐHQGHN, được quy hoạch, và đang trong giai đoạn được lãnh đạo quan tâm sắp xếp phân công nhiệm vụ, Và ngay lúc đó, xuất hiện hàng loạt tin đồn, loan tin thất thiệt, nói xấu về bằng cấp và học vị, về thời gian tôi học ở bên Nga. Thôi thì đủ thứ chuyện, không thành có, cứ như thật. Cao điểm là những tin này xuất hiện công khai trên mạng Internet lần đầu tiên từ tháng 4.2009, đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi đó tôi là một trong những ứng viên sáng giá đang được xem xét để cất nhắc, đề bạt.

Với sức mạnh của Internet, tin này lan đi như bệnh dịch. Không ít bạn bè, đồng nghiệp, và có lẽ nhiều người không biết tôi, khi đó đã nghĩ và nhìn về tôi đầy hoài nghi, thậm chí là xa lánh.

Một số ít thì sung sướng lắm!

Tôi không trách người viết. Vì người viết chưa có đủ thông tin, và đã bị lợi dụng để ai đó kích động, khơi lên lòng đố kỵ. mà sự đố kỵ, như thần thoại Hy Lạp đã viết, khủng khiếp lắm, còn có thể là ngọn lửa của chiến tranh.

Nhưng nguy hiểm hơn, là đã bị lợi dụng.
Từ một bài, đã được những người (hoặc có thể chỉ 1, vài người) khác đưa thêm comments, thêu dệt và thế là thành cả một tiểu thuyết.

Mãi sau này qua những kênh điều tra độc lập, tôi mới biết sự thực, là đã có một số người đã được thuê , trả tiền để làm việc comments, phát tán và thêu dệt thêm vào. Tức là ông Trời đã sai khiến để họ tạo nên thêm khẩu nghiệp cho mình.

Cuộc đời là như vậy! Khẩu nghiệp là như vậy.
Không thể nào tự thanh minh được. Thậm chí mọi thanh minh ngay lúc đó đều là vô nghĩa.

Đau quá, phải không các bạn? Có nghiệp nào ác hơn thế không. Nhiều lúc, nước mắt chảy ngược vào trong tim.

Phật dạy khẩu nghiệp là nghiệp lớn nhất, cho nên tạo khẩu nghiệp cho người khác, cũng là điều tàn ác nhất.

Ai đã từng trải qua, chắc sẻ chia với những gì tôi viết.

Phật dạy phải “vứt khẩu nghiệp” đi. Khẩu nghiệp trong bài viết về lời Ngài dạy trên kia, là tiếng chửi. Ngài dạy, mặc kệ ai chửi, ta vẫn đi (tôi hiểu được câu chửi, tức diễn đạt sự việc xảy ra trong thời điểm ngắn).
Còn khẩu nghiệp của kiếp người, có khi là cả đời người. Có lẽ là vì một ngày trên thiên giới, bằng cả trăm năm dưới trần gian. Nên một cái chớp mắt khẩu nghiệp của Ngài, vận bằng cả 10 năm của cuộc đời trần thế của chúng con chăng?

Ngài bỏ lại khẩu nghiệp ở “ven đường”, coi như không có, để đi tiếp con đường tu hành giác ngộ.
Còn chúng con thì phải sống chung với nó.

Và, chính trong những năm tháng khó khăn nhất, tôi đã ngộ ra rằng, chỉ bằng cách phải chịu đựng, chấp nhận và vượt qua thử thách bằng sự kiên trì, làm việc quên mình và cống hiến, nỗ lực vượt bậc với niềm tin vào bản thân mình, niềm tin vào con người thì mới có thể vượt qua được khẩu nghiệp.
Thời gian và kết quả công việc sẽ là người bạn đồng hành và là lực đẩy tốt nhất giúp chúng ta “quẳng đi hoàn toàn” được khẩu nghiệp.

Mới ngày nào tuổi mới đôi mươi, phơi phới niềm tin.
Ngoảnh lại đã tốt nghiệp đại học được hơn 30 năm, đã đi quá nửa đời người.

Tôi tốt nghiệp thủ khoa K.25 Đại học THHN 1984, được xếp hạng xuất sắc. Điểm trung bình chung của tất cả các môn, của toàn khóa học là 9,6/10 điểm. Mặc dù được chuyển tiếp ngay làm NCS, nhưng thời đó tôi phải thi chọi chung với các thầy, và tôi đã đỗ đầu với số điểm cao nhất (27,5/30). Năm 1985-1986, khi sang Khoa Lưu học sinh Nga của ĐH Ngoại ngữ để học tiếng Nga chuẩn bị đi làm NCS nước ngoài, tôi cũng lại dành được Huy chương Bạc trong kỳ thi Olymlic tiếng Nga trong ngày thi vào 22.4 (đúng ngày sinh nhật của Lê Nin), và từ trước đó, thường tất cả các giải này đều thuộc về các bạn lưu học sinh đã từng học chuyên ngoại ngữ (chứ không phải NCS).

Bảo vệ Tiến sỹ tại MGU (1991), và TSKH tại Viện Hàn lâm KH Nga (1997), tại chính các hội đồng mà các nhà khoa học đầu ngành của Nga tham gia với số phiếu tuyệt đối 17/17; và cũng tại chính các Hội đồng đã chấm luận án TS, TSKH cho các nhà khoa học đầu ngành đàn anh của Việt Nam thế hệ trước tôi.

Danh hiệu viện sỹ chính là khẩu nghiệp vận vào đời tôi. Danh hiệu đó là có thực, và còn được trao cho một số nhà khoa học lớn khác của Việt Nam. Tiếc là nó đến quá sớm với tôi, khi tuổi đời còn quá trẻ. Cái nỗi khổ nhất là phải sống với vận hạn khẩu nghiệp, biến người chân chính được hiểu như hàng rởm. Khẩu nghiệp, tức là miệng tiếng, làm cho con người ta lúc nào cũng bị thiên hạ xem như tội đồ. Mà lại đúng ở quãng tuổi đời trẻ đẹp nhất.

Khổ tâm lắm!

Nhưng tôi không dùng những danh hiệu đó để hãnh tiến, để được hưởng lương nhà nước và để tiến thân.

Về nước, tôi phải trải qua quá trình từ cán bộ hợp đồng, cứ tuần tự cho đến khi được phong PGS (2007) và GS (2013), không có gì là đặc cách.

May thay là trong muôn vàn khó khăn thử thách và sóng gió như vậy, lãnh đạo ĐHQGHN vẫn có sự lựa chọn sáng suốt. Cuối năm 2012 đã lựa chọn tôi đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Đào tạo (lúc này được gộp cả chức năng quản lý đào tạo đại học và sau đại học), một trọng trách cao hơn, nặng nề hơn, chung cho cả ĐHQGHN, đã giúp tôi phát huy được rất nhiều sáng kiến, tâm huyết và sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài.

Đến khi phong chức danh GS năm 2013, cũng có ý kiến của thành viên Hội đồng Nhà nước nói những gì họ nghe đồn bấy lâu công khai ra trước Hội đồng để Hội đồng thảo luận, cân nhắc. Và Hội đồng chức danh GSNN đã sáng suốt thông qua. Năm đó, tôi trở thành GS trẻ nhất của ĐHQGHN nói riêng và của cả Ngành Cơ học Việt Nam.

Năm sau, 2014, trở thành thành viên của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Cơ học nhiệm kỳ 2014-2019.

Vậy điều mà tôi muốn để lại cho các con, và các thế hệ học trò, đó là bài học của sự kiên nhẫn và lòng vị tha. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Vết thương rồi mãi cũng lành. Sông có khúc, người có lúc.

Anh hùng thì đa nạn. “Nhưng anh hùng tất sẽ gặp được quý nhân”.

Còn những người gieo khẩu nghiệp – chắc chắn không thể làm lung lay được ý chí và cản trở được con đường của những con người chính trực, đầy nghị lực và niềm tin.

Trải qua hơn 10 năm sống chung với khẩu nghiệp, đến nay, tôi tin là qua những bài tôi viết tâm huyết về các hoạt động khoa học và đào tạo của ĐHQGHN, mọi người đọc, và sẽ hiểu tôi là con người như thế nào (văn là người).

Tôi cũng tin là qua quá trình dài học tập, trưởng thành từ tấm bé của tôi đến nay, những thành quả, đóng góp cụ thể trong đào tạo SV, HVCH, NCS, sự trưởng thành của các học trò, sự phát triển mạnh mẽ của Nhóm nghiên cứu và các công bố khoa học, đóng góp cho ngành, cũng như trên các cương vị và kết quả công tác từ trước tới nay: từ giảng viên hợp đồng, chuyên viên khoa Sau đại học, phó ban Đào tạo, Phó ban KHCN, rồi Trưởng Ban KHCN, Phó Hiệu trưởng ĐHCN, nay là Trưởng Ban Đào tạo (ĐH và SĐH), và tự hào hơn, có lẽ còn là người duy nhất trong các lãnh đạo các ban chức năng được may mắn làm việc trực tiếp dưới đủ cả 4 đời Giám đốc ĐHQGHN, đủ để tất thảy bạn bè và mọi người hiểu được thực chất và đánh giá được phẩm chất và năng lực của tôi.

Sự tin tưởng của lãnh đạo ĐHQGHN, của Hội đồng ngành và Hội đồng chức danh GSNN, sự tin yêu của các thế hệ học trò và tín nhiệm của các đồng nghiệp là những minh chứng.

Khẩu nghiệp khởi từ tà tâm. Sự giác ngộ và tuệ nhãn, chính trực của con người là chính thiện. Và chính sự phấn đấu, khiêm nhường và nỗ lực phi thường là đạo hào quang, để tiếp dẫn ánh sáng của chính nghĩa, của lẽ phải được chiếu rọi, tỏa sáng, xóa tan đi khẩu nghiệp và lòng đố kỵ. Sự tu tập như vậy là đạt thành chính quả. Nhưng phải nhớ, là cần sự kiên nhẫn, bền bỉ và kiên trì.

Tôi rất mừng là trải qua hơn 10 năm gian nan vất vả nếm trải, kiên trì chịu đựng, thiệt thòi rất lớn vì những điều này tiếng nọ, khẩu nghiệp lớn quá! Nhưng cuối cùng, bằng sự nỗ lực không ngừng, bằng sự lao động vượt bậc của bản thân, những tâm huyết và đóng góp thực sự cho nhà trường và cho hoạt động khoa học và đào tạo, tôi đã được cơ quan, nhà trường, ĐHQGHN, đồng nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá công bằng.

Phải chăng mình đã tuân lời Phật dạy, phải biết tích lũy công đức, nên khẩu nghiệp được vợi đi rất nhiều chăng?

Như vậy, muốn vượt qua được khẩu nghiệp ở trần gian, không chỉ quên đi mà được, muốn vứt là vứt ngay đi được, mà phải có sự nỗ lực, phấn đấu, và phải có thời gian. Bài học tôi nhận ra ở cuộc đời này là như thế.

Cổ nhân có câu “trong cái rủi có cái may”, và “đường dài mới biết ngựa hay”. Đúng là nếu không có khẩu nghiệp, thì có khi mình lại sinh ra kiêu ngạo, sẽ thiếu đi sự rèn luyện và tích lũy, trưởng thành, chưa chắc đã được như ngày hôm nay.

Và, không có khó khăn và thử thách, sao chúng ta biết được đầy đủ và chính xác ai là tri kỷ, tri ân của chúng ta trong cuộc đời này?

Tôi tin là mặc dầu trải qua những thử thách, khó khăn và cả nhiều thiệt thòi, nhưng với một tấm lòng nhân ái và niềm tin, bằng cả một sự nhẫn nại, hy sinh, bằng cả một quá trình kiên trì lao động và phấn đấu bền bỉ không biết mệt mỏi, khẩu nghiệp vừa là cái hạn, vừa là cái nghiệp, nhưng cũng chính là người thầy nghiêm khắc nhất, đã dạy cho tôi hiểu thấu đáo đạo lý, ý nghĩa cuộc sống và giá trị đích thực, chân chính của mỗi con người.

Giờ đây, tôi có thể tự hào và tự tin, ngẩng cao đầu, sánh bước cùng với bè bạn và đồng nghiệp trong sự nghiệp trồng người.

“Hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động”.

Khẩu nghiệp có lẽ ít nhiều ai cũng có, cũng gặp trên đường đời, và điều cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ là mỗi chúng ta, để vượt qua khẩu nghiệp, đừng né tránh, hãy bình tĩnh, can đảm đón nhận như một phần của cuộc sống và kiên trì phấn đấu, nỗ lực không ngừng để vượt qua.

Khẩu nghiệp là một sự rèn luyện, là thước đo của tâm đức và cũng là thước đo của sự nỗ lực, tài năng.

Và muốn tích đức, hãy luôn nhớ lời răn của Phật: “Khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được”.

Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức.

Và trong cuộc đời, hãy luôn ghi nhớ những lời Oscar Wilde đã nói: “Every saint has a past, every sinner has a future” , nghĩa là: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.”

Posted in Thông báo and tagged , , , , , , , , , , , , , , , , .