Thứ hai, 28/11/2016, 14:56 (GMT+7)
Bội thực tiến sĩ (TS), chất lượng luận án TS ở các cơ sở đào tạo không đồng đều và có thể vàng thau lẫn lộn. Nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết, nhưng nghiên cứu sinh (NCS) vẫn được cấp bằng TS…
Lễ trao bằng TS tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội
Đó là những vấn đề mà lâu nay dư luận đặt ra rất bức xúc. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đang tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế về đào tạo TS.
Chạy theo số lượng
Nói về tình trạng “bội thực” TS hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, có những cơ sở đào tạo TS chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng. Thực tế, NCS TS là các nhà nghiên cứu, sản sinh ra tri thức, trí tuệ mới; tuy nhiên, nhiều NCS không xác định rõ động cơ, mục tiêu, không xác định rõ tầm mức hoạt động nghiên cứu của bậc đào tạo TS, vì thế không có những đề tài chất lượng, không tiếp cận được chuẩn thế giới. Cùng với đó, quy chế đào tạo TS chưa được thực hiện nghiêm do còn nhiều “du di”. Đầu tư nhà nước cho đào tạo TS còn quá thấp – thấp nhiều lần so với mức trung bình của thế giới. GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước, cho rằng chưa có một nước nào mà kinh phí 15 triệu đồng/NCS/năm, nên“tiền nào của nấy”!
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, cho rằng những lý do mà Thứ trưởng Bùi Văn Ga đưa ra đều đúng. Nhưng bên cạnh đó còn lý do khác. Đó là do chất lượng đầu vào ngày càng thấp. “Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó TS trong nước là Hoàng Hữu Đường. 6 năm sau, Hoàng Hữu Đường lại là người đầu tiên bảo vệ TS khoa học trong nước. Điều kiện khó khăn là thế, nhưng chất lượng TS rất tốt, không có ai kêu ca. Đó là vì chất lượng đầu vào tốt, 30 – 40 người thi, chỉ có 2 – 3 người đậu; trong quá trình đào tạo, mỗi người phải thi 3 chuyên đề nên phải học rất chắc chắn. Ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án, hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận, nên có khi phải mất 5 – 7 năm mới đào tạo được một TS”, GS Nguyện Đình Đức thẳng thắn đánh giá. Theo ông, vấn đề hiện nay của đào tạo TS là quy mô đào tạo quá nhiều, chất lượng và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo, trong khi lẽ ra người thầy phải có trình độ cao, phải khắt khe. Paribahis
Nâng tiêu chuẩn nghiên cứu sinh
PGS-TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng để nâng tầm chất lượng đào tạo TS bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế thì yếu tố thứ nhất là điều kiện tuyển sinh. “NCS TS phải có tố chất nghiên cứu khoa học và trình độ ngoại ngữ. Có tố chất hay không căn cứ vào các công trình khoa học của NCS. Ngoại ngữ là rất cần thiết, vì vững ngoại ngữ thì NCS mới có điều kiện tham khảo, đọc tài liệu nước ngoài, tham gia môi trường học thuật thế giới”, bà Lan Anh nêu. Còn theo GS Trần Văn Nhung, phải định nghĩa được khái niệm TS theo chuẩn quốc tế, ví dụ lĩnh vực khoa học, công nghệ nhất thiết phải có phát minh; lĩnh vực xã hội nhân văn phải có các bài báo bằng tiếng nước ngoài đăng ở tạp chí thế giới ISI. Đào tạo TS không cần nhiều, mà phải có chất lượng. Cùng với đó, những quy định về bổ nhiệm không cần chạy theo bằng TS, không nhất thiết yêu cầu vị trí này vị trí kia phải có bằng TS vì như thế chỉ khiến chạy đua học TS. Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ “ai là phản biện, ai nằm trong hội đồng” với những tiêu chuẩn đi kèm không thể thấp được.
Từ thực tế này, dự thảo quy chế đào tạo TS mới đang được Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh và công bố với nhiều điểm mới, theo hướng nâng chuẩn của NCS, trách nhiệm của hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, nhưng quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. NCS phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu. Mặt khác, quy chế mới cũng đòi hỏi NCS phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. Ngoài ra, để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện, hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm NCS sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn. Tương tự, quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của NCS. Đó còn phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo… Đặc biệt, thời gian đào tạo TS được kéo dài hơn, tối thiểu là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây).
Cũng theo bà Phụng, đào tạo TS là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục ĐH, là đào tạo những nhà nghiên cứu, vì vậy phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế thải loại trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng đầu ra. “Chúng ta chấp nhận có thể giảm quy mô để tập trung vào chất lượng, đào tạo TS chỉ dành cho những người thực tài, thực lực, có mục tiêu học tập rõ ràng”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khẳng định.
28.11.2016 Theo SGGP