GS Nguyễn Đình Đức: TỰ CHỦ ĐẠI HỌC – BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ NHẬT BẢN

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC, KINH NGHIỆM TỪ NHẬT BẢN:
(Dân trí, ngày 25-10-2018)

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, để hiểu và vận dụng tự chủ đại học như thế nào để áp dụng khả thi cho các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, thì kinh nghiệm tự chủ đại học các trường đại học ở Nhật Bản có thể sẽ là bài học rất hữu ích.

Để thấy được toàn bộ bức tranh của giáo dục đại học của Nhật Bản, theo số liệu năm 2015, toàn Nhật Bản có 799 trường đại học, trong đó các trường Quốc lập là 86 trường (tỷ lệ 11%), trường Công lập (do chính quyền địa phương thành lập) là 89 trường (chiếm 11,4%) và trường dân lập là 604 trường (chiếm 77,5%). Số sinh viên toàn Nhật bản năm 2015 là 2.860.210 sinh viên, thì các trường Quốc lập có 610.802 sinh viên (tỷ lệ 21,4%), các trường công lập 148.766 sinh viên (tỷ lệ 5,2%) và các trường dân lập có 2.100.642 sinh viên (chiếm tỷ lệ 73,4%). Như vậy có thế thấy với một đất nước tiên tiến và văn minh, có nền KHCN hiện đại như Nhật Bản, hệ thống các trường đại học dân lập chiếm số đông.

Năm 2004, toàn bộ 86 trường Quốc lập của Nhật Bản chuyển sang mô hình tự chủ, từ mô hình National University chuyển sang mô hình National University Corporation.

Vậy tại sao các trường đại học quốc lập ở Nhật Bản phải tự chủ?

Trước hết là vì phải chuyển mình để thích ứng với việc đảm bảo chất lượng đào tạo trong khi gia tăng số lượng sinh viên vào đại học và giảm tỷ lệ dân số ở độ tuổi 18. Hai là để thích ứng với tình trạng cạnh tranh trên thế giới về KHCN tiên tiến, yêu cầu đại học triển khai các nghiên cứu, làm cơ sở cho công nghiệp, và ba là duy trì cơ chế cũ đã tỏ ra không hiệu quả, do cơ chế cũ không thích ứng được với các biến đổi xã hội, không tập hợp và đưa ra được các quyết định chung trong nội bộ trường, cần xây dựng cơ chế quản lý mới cho sự phát triển và cạnh tranh của nhà trường.
Có thể thấy bối cảnh thôi thúc tự chủ của các trường đại học quốc lập Nhật Bản khi đó, có nhiều điểm giống bối cảnh của hệ thống các trường đại học của Việt Nam hiện nay.

Vậy tự chủ đại học quốc lập ở Nhật Bản nhằm mục đích gì?
Tự chủ đại học ở Nhật Bẳn nhằm tăng cường quyền tự chủ của các đại học quốc lập; với mong muốn chấm dứt tình trạng các trường đại học nhà nước có phần bảo thủ và độc lập kiểu như mini Todai; phát huy cá tính, tăng cường năng lực cạnh tranh của các đại học; tăng cường khả năng lãnh đạo của giám đốc các đại học, hiệu trưởng các trường. Đồng thời cũng giảm bớt hỗ trợ ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên của các đại học nhà nước.

Tự chủ đại học ở Nhật Bản, Đại học, trường đại học được làm những gì?
• Trường được tự chủ sử dụng kinh phí chi hoạt động thường xuyên
• Đượ tự quyết định mức học phí
• Được tự quyết định biên chế (số giảng viên và cán bộ hành chính)
• Thành lập Khoa mới và mở chương trình đào tạo mới
• Thành lập hoặc xóa bỏ Trường và Viện thành viên (với mô hình đại học 2 cấp như Đại học Tokyo)

Các trường không được làm gì khi tự chủ: Chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo các trường không được tự quyết định. Đây có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất so với cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay.
Trước tự chủ, các trường đại học xin cấp ngân sách cho biên chế giảng viên và cán bộ hành chính; xin chỉ tiêu tuyển sinh

Sau tự chủ, Bộ Giáo dục Nhật Bản tiếp tục quản lý chặt số sinh viên, học viên thạc sỹ, nghiên cứu sinh. Trong trường hợp thành lập khoa mà cần tăng tổng số sinh viên của trường thì nhất thiết phải xin Bộ Giáo dục như trước khi tự chủ hóa. Nếu trường hợp thành lập khoa mà không cần xin thêm chỉ tiêu tuyển tăng sinh viên của trường thì có thể tự quyết định việc thành lập khoa mới. Với mô hình đại học 2 cấp như ĐH Tokyo, việc thành lập các khoa mới của các trường thành viên do ĐH Tokyo phê duyệt.

Như vậy mặc dù tự chủ, nhưng quy mô sinh viên là tham số được Nhà nước quản lý chặt chẽ và điều tiết.

Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là trong quá trình tự chủ đại học ở Nhật Bản, Nhà nước vẫn cấp kinh phí chi thường xuyên cho các trường, nhưng hàng năm, ngân sách hỗ trợ hoạt động thường xuyên bị cắt giảm 1%, và tinh giản biên chế khoảng 1% mỗi năm.

Kết quả tự chủ đại học ở Nhât Bản như thế nào?
Trước tự chủ: Nhà nước bao cấp và quản lý chặt về tài chính: Phân bố ngân sách theo định mức số giáo viên và số sinh viên. Đại học hầu như không có quyền tự chủ về số biên chế giảng viên, chuyên viên, số sinh viên, chương trình đào tạo, cách sử dụng ngân sách.

Nguồn tài chính của một đại học quốc lập điển hình trước tự chủ
– Ngân sách nhà nước 50%
– Hỗ trợ của nhà nước trong xây dựng CSVC 20%
– Thu nhập từ bệnh viện 15%
– Học phí 10%
– Kinh phí nghiên cứu quỹ ngoài 5

Sau tự chủ, có sự chuyển biến về cơ cấu thu nhập của nhà trường, mức trung bình của
một đại học quốc lập là:
– Ngân sách hỗ trợ hoạt động thường 33%
– Hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng CSVC 7%
– Thu nhập từ bệnh viện 32%
– Học phí 11%
– Kinh phí nghiên cứu quỹ ngoài 12%
– Quyên góp 3%
– Nguồn thu khác 2%

Với ĐH Tokyo, kinh phí từ Nhà nước cấp năm 2016 là 74.077 triệu yên, bị giảm 14% so với năm 2004 – là 86.180 triệu yên, nhưng tổng thu của trường lại tăng 26% so với khi chưa tự chủ, đạt 244.049 triệu yên năm 2016 (khoảng 2,4 tỷ USD) so với 177.119 triệu yên vào năm 2004. Đặc biệt lưu ý là kinh phí nghiên cứu của ĐH Tokyo đã đạt 49.789 triệu yên vào năm 2016, tăng 211% so với năm 2004 – 23.596 triệu yên, và nguồn thu từ NCKH đã đạt 22,2% tổng thu của toàn trường vào năm 2016. Nguồn thu từ NCKH làm tăng đáng kể nguồn thu của nhà trường sau tự chủ. Và cũng cần nhấn mạnh là ngay cả khi tự chủ, thì kinh phí Nhà nước cấp cho ĐH Tokyo vẫn chiếm tới 47,5% vào năm 2016. Trong khi mức thu từ học phí của ĐH Tokyo hầu như giữ nguyên, 16.190 triệu yên vào năm 2004 và 16.357 triệu yên vào năm 2016 (chiếm khoảng 7,3% tổng thu của nhà trường). Sở dĩ mức thu học phí ít biến động là vì khi tự chủ hóa, các đại học tiếng là được tự quyết được mức học phí, Chính phủ chỉ đưa ra mức chuẩn. Nhưng Bộ Giáo dục Nhật Bản lại có chủ trương là khi một đại học tăng học phí thì Bộ sẽ giảm hỗ trợ cho kinh phí chi hoạt động thường xuyên. Nên mãi đến bây giờ về cơ bản các đại học quốc lập đều giữ mức học phí theo mức chuẩn của Bộ và không có đại học nào tăng học phí.

Với các đại dọc dân lập, tỷ lệ học phí lại chiếm đáng kể trong nguồn thu của nhà trường. Ví dụ Đại học Keio, năm 2015, số giảng viên và cán bộ hành chính là 8.595 người, số sinh viên là 32.410 người (sinh viên 28.855, học viên SĐH 3.555 người), nguồn thu đạt 1545 triệu yên, trong đó nguồn thu cao nhất là từ học phí, 534 triệu yên (chiếm khoảng 35% tổng thu), thu từ dịch vụ y tế (36%). Tuy nhiên mức đầu tư của Nhà nước cho các trường dân lập vẫn có, và Đại học Keio đạt 137 triệu yên, chiếm tỷ lệ đáng kể (9%) so với nguồn tài chính của trường.

Thành tựu của quá trình tự chủ: Nhờ có chính sách tự chủ đại học, các trường đại học quốc lập đã phát huy cao nhất sự năng động, sáng tạo và tính linh hoạt trong các hoạt động, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy KHCN và kinh tế phát triển, thích ứng được với những biến động và yêu cầu của thời đại, làm cho Nhật Bản luôn giữ vững được lợi thế cạnh tranh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào thập niên trước. Các trường đại học Nhật Bản vươn lên trong các bảng xếp hạng của thế giới: Năm 2004, Nhật Bản có 6 trường đại học lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu của thế giới theo bảng xếp hạng QS là: The University of Tokyo, Kyoto University, Tokyo Institute of Technology, Osaka University, Tohoku University và Nagoya University, năm 2018 đã tăng lên thêm 3 trường vào top 200 đại học hàng đầu thế giới, là Hokkaido University, Kyushu University và Keio University, trong đó đáng chú ý Đại học Keio là đại học dân lập. Đồng thời tự chủ cũng giúp cho Nhà nước giảm được gánh nặng ngân sách.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn ra một số mặt trái của quá trình tự chủ đại học ở Nhật Bản. Trước tự chủ, Chính phủ quy định chặt qui mô biên chế, số giáo sư, số phó giáo sư, số giảng viên và trợ giảng. Sau tự chủ hóa, không còn hạn chế số biên chế kể trên. Tuy nhiên chi cho cán bộ do trường quyết nhưng mức lương vẫn theo qui định lương công chức viên chức nhà nước (và do đó không có sự gia tăng đáng kể). Và phúc lợi hưu trí có khung, nên trên thực tế các đại học bị buộc phải giữ số biên chế trước tự chủ hóa. Và như vậy, trên thực tế, tăng học phí, tự chủ biên chế, cũng như việc nhà trường được tự quyết xóa bỏ hoặc giải thể các đơn vị trong trường, nhưng hầu như những nội dung này không có sự thay đổi đáng kể trong quá trình tự chủ đại học ở Nhật Bản.

Những mặt trái khác không thể không nhắc đến, như trong quá trình tự chủ hóa, ngân sách hỗ trợ hoạt động thường xuyên giảm đi, các đại học buộc phải giảm số giảng viên, nhất là giảng viên vị trí thấp như trợ giảng. Tự chủ cũng kéo theo sự già hóa tuổi bình quân của giảng viên ở hầu hết tất cả các đại học quốc lập (Năm 2004, tuổi trung bình của giảng viên là 46,4 tuổi; năm 2013 – 47,4 tuổi); làm giảm đi số giảng viên trẻ dưới 35 tuổi ( Năm 2004 – 13,4 %; Năm 2013 – 9,8%). Các trường tăng lên số giảng viên hợp đồng có thời hạn (Giảng viên dưới 35 tuổi, tỷ lệ tương ứng giảng viên năm 2007/2013 – hợp đồng không có thời hạn là 47,1%/52,9% và có thời hạn là 26,5% /73,5%). Tự chủ đại học cũng kéo theo sự gia tăng tỷ lệ các nhà nghiên cứu trẻ chưa có việc làm và thâm niên, ảnh hưởng xấu tới số lượng nghiên cứu sinh (NCS), ví dụ ở ĐH Tokyo năm 2010 tổng số NCS là 6141, trong đó NCS người Nhật là 4819, thì vào năm 2017, quy mô NCS là 5.771 (giảm 6%) và NCS người Nhật còn 4.360 (giảm 9,5%).

Mô hình đại học 2 cấp khi tự chủ đại học

Tự chủ đại học ở Nhật Bản tác động mạnh mẽ đến mô hình đại học 2 cấp.
Chúng tôi sẽ phân tích qua ví dụ điển hình từ thực tiễn quá trình tự chủ hóa của ĐH Tokyo. Trước tự chủ, thực quyền của Giám đốc ĐH Tokyo không mạnh: Hội đồng giáo sư các trường và viện thành viên có quyền quyết định chương trình giảng dạy và tuyển dụng giảng viên. Căn cứ vào quyền hạn của Hội đồng giáo sư, các trường và viện thành viên thực chất đóng vai trò trung tâm trong việc vận hành ĐH Tokyo. Trước tự chủ Giám đốc ĐH Tokyo không có quyền tuyển dụng giảng viên cơ hữu (việc này do các trường, viện thành viên đảm nhiệm). Giám đốc Đại học đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học, mặc dù Hội đồng này có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về đào tạo và nghiên cứu của Đại học Tokyo, nhưng trên thực tế Giám đốc Đại học không có thực quyền lớn khác. Chỉ có hai Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc. Trước tự chủ, Nhà điều hành ĐH Tokyo lại có thực quyền lớn vì các vị đứng đầu các ban chức năng làm việc tại Nhà điều hành vốn đã là cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục. Nhà điều hành thực chất như là chi nhánh của Bộ Giáo dục giám sát và quản lý ĐH Tokyo.
Sau tự chủ, thực quyền của Giám đốc ĐH Tokyo rất lớn, vì chỉ có Đại học Tokyo trở thành pháp nhân độc lập. Và là người đại diện pháp nhân độc lập, Giám đốc Đại học Tokyo có quyền quyết định những vấn đề lớn của Đại học Tokyo. Giám đốc thành lập Hội đồng trường gồm có 7 người (thường là 6 vị Phó giám đốc và một vị đại diện bộ phận hành chính). Giám đốc có quyền chỉ định các thành viên Hội đồng trường. Khi tự chủ hóa, các trường và viện thành viên đều nhất trí cao rằng ĐH Tokyo phải có Giám đốc mạnh để tăng cường sức cạnh tranh của ĐH Tokyo.

Quy trình bầu Giám đốc Đại học Tokyo khi tự chủ:
1. Đại diện các đơn vị trực thuộc Đại học Tokyo bầu 10 người ứng viên.
2. Ủy ban Tuyển dụng Giám đốc Đại học Tokyo chọn ra 5 người.
3. Tất cả giảng viên cơ hữu tham gia bầu cử.
4. Căn cứ vào kết quả bầu cử, Ủy ban Tuyển dụng quyết định ứng viên trúng cử.
5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục bổ nhiệm Giám đốc mới dựa trên quyết định của Ủy ban.
Còn đối với Hiệu trưởng, Viện trưởng các trường và viện thành viên thì Hội đồng giáo sư trực tiếp bầu.

Như vậy có thể thấy, chỉ có các giáo sư, các giảng viên đại học mới là người có quyền được bầu và quyết định lãnh đạo trường đại học của mình. Vai trò của các giáo sư, giảng viên đại học rất lớn.

Về tuyển sinh: Ngay cả khi tự chủ, tuyển sinh bậc đại học do cấp ĐH Tokyo quản lý tập trung, còn tuyển sinh bậc sau đại học thì phân cấp cho các trường sau đại học (Grauduate Schools) quản lý.

Trước Tự chủ hóa: Hỗ trợ của ngân sách nhà nước được cấp trực tiếp cho các trường và viện thành viên theo định mức của Bộ (dựa vào số giảng viên, số sinh viên v.v..). Học phí thu vào Kho ngân sách nhà nước sau đó cấp cho Đại học.

Sau tự chủ: Kinh phí chi hoạt động thường xuyên của ngân sách nhà nước được cấp cho Đại học, sau đó Đại học được tự quyết và phân bổ xuống các trường và viện thành viên. Học phí được thu vào ngân sách Đại học, sau đó Đại học phân bổ xuống các trường và viện thành viên.
Riêng kinh phí NCKH, trước và sau tự chủ hóa, các trường và viện thành viên trực tiếp thu.

Kinh phí Giám đốc ĐH Tokyo được sử dụng, trước tự chủ hóa chủ yếu để duy trì hoạt động của các ban chức năng cấp Đại học Tokyo (chủ yếu dùng cho các bộ phận hành chính ở Đại học), chiếm khoảng 2,6% tổng chi. Sau tự chủ hóa, kinh phí Giám đốc được sử dụng khoảng 4,9% tổng chi của toàn Đại học, gồm ngân sách nhà nước hỗ trợ nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Giám đốc Đại học (khoảng 0,3% tổng chi); nguồn được trích 3,1% từ nguồn thu NCKH (bằng khoảng 1,7% tổng chi); trích 1% kinh phí thường xuyên của các trường và viện thành viên (trừ quỹ lương) chiếm khoảng 0,3% tổng chi,… và được Giám đốc sử dụng để điều tiết các hoạt động của Đại học.

Môt ví dụ về sự chia sẻ, hỗ trợ nguồn lực khi tự chủ: trước tự chủ, các trường và viện thành viên của ĐH Tokyo tự mua tạp chí khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Các nhà xuất bản lớn xây dựng các gói của nhiều loại tạp chí điện tử, sách và việc ký hợp đồng mua các gói tạp chí và sách cần nguồn tiền lớn, trường và viện không chịu được chi phí này. Sau tự chủ, nguồn kinh phí này được lấy từ kinh phí của các trường, viện thành viên và được ĐH Tokyo hỗ trợ. Chẳng hạn năm 2007, Đại học Tokyo cần 1 tỷ 150 triệu yên cho nguồn học liệu, thì phần các trường và các viện đóng góp là 850 triệu yên và phần ngân sách Giám đốc chi là 300 triệu yên.

Khi tự chủ, hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động thường xuyên bị cắt giảm 1%; Giám đốc ĐH Tokyo yêu cầu các trường và viện thành viên phải giảm biên chế của mình mỗi năm là 1%, trong đó biên chế giảng viên giảm 1.2% mỗi năm. Trong đó 0.2% số giảm biên chế lại được tích lũy ở Văn phòng Giám đốc, và được Giám đốc điều tiết, sử dụng cho các nhóm nghiên cứu trọng điểm, các PTN hay các Trung tâm nghiên cứu hoặc Trung tâm dịch vụ mới.

Đặc biệt kể từ khi tự chủ, văn phòng Giám đốc Đại học Tokyo có Hội đồng có chức năng tuyển dụng giảng viên (có quyền tương đương Hội đồng Giáo sư của các Trường và Viện thành viên khi chưa tự chủ).

Cũng cần nhấn mạnh là mặc dù sau tự chủ, Giám đốc Đại học có quyền lực rất lớn, tuy nhiên cũng có cơ chế để giới hạn quyền lãnh đạo của Giám đốc. Ví dụ năm 2013, Giám đốc Hamada đề xuất thay đổi thời gian nhập học chính từ tháng 4 sang tháng 9 để hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất cải cách này đã trực tiếp đụng đến quyền xây dựng chương trình đào tạo của các trường thành viên nên một số trường phản đối khiến Giám đốc không thực hiện được ý tưởng này.

Bài học từ ĐH Tokyo: Tự chủ đại học đã làm cho ĐH Tokyo mạnh và thực quyền hơn trước, và là nhân tố quan trọng giúp cho ĐH Tokyo phát triển và tăng trưởng bền vững, luôn là đại học hàng đầu, là đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản và luôn là một trong những đại học hàng đầu của Thế giới. Tự chủ hóa với mô hình đại học 2 cấp không phải là tước đoạt quyền của các trường và viện thành viên, tập trung quyền lực vào tay Giám đốc Đại học mà lại là tăng cường mối quan hệ trao đổi thường xuyên và hợp tác chặt chẽ giữa Giám đốc và các trường và viện thành viên. Một số giải pháp đã được ĐH Tokyo áp dụng như:
• Tổ chức hội nghị Giao ban Giám đốc và các ban ở đại học với các Hiệu trưởng và Viện trưởng định kỳ hai tuần một lần.
• Văn phòng Giám đốc có Trợ lý Giám đốc do các trường và viện thành viên cử (nhiệm kỳ một năm, phó giáo sư trên dưới 40 tuổi).
Đồng thời bộ phận hành chính, các ban của Đại học cũng có sự thay đổi.
Trước tự chủ:
– Các ban giám sát và quản lý các trường và viện thành viên làm đúng theo quy trình, quy chế của Bộ.
– Trong bộ máy hành chính ít có sự luân chuyển nhân sự giữa Đại học và các trường và viện thành viên (các trường và các viện có đội ngũ hành chính riêng của mình và một bộ phận suốt đời làm việc tại một chỗ).
Sau tự chủ hóa:
– Chức năng chính của các ban là giúp Giám đốc xây dựng và thực hiện chiến lược trung hạn, và hỗ trợ các trường và các viện thành viên thực hiện ý tưởng của mình.
– Các ban được khuyến khích sáng tạo, có những ý tưởng đột phá hơn là chỉ làm đúng theo quy trình.
– Có sự luân chuyển nhân sự thường xuyên giữa các ban cấp Đại học và các phòng ban của các trường và viện thành viên.

Từ những kinh nghiệm và bài học trong quá trình tự chủ đại học đã rất thành công ở Nhật Bản, chúng tôi hy vọng qua bài viết này sẽ góp phần sáng tỏ thêm cho hành trình đổi mới và tìm tòi cơ chế tự chủ phù hợp cho các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , , .