GS.TSKH NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC VÀ KỶ NIỆM VỀ GS.VS NGUYỄN VĂN ĐẠO

GS.VS Nguyễn Văn Đạo là giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Cơ học VN, Giải thưởng HCM về KHCN.

Nhân 85 năm ngày sinh của cố GS: 10/8/1937 – 10/8/2022.

Tháng 2/2005, từ Phó Ban Đào tạo, tôi được bổ nhiệm làm Phó Ban rồi Trưởng Ban KHCN của ĐHQGHN, và được may mắn làm việc trực tiếp với GS Nguyễn Văn Đạo từ ngày ấy.

Ngày đó, GS Nguyễn Văn Đạo đã thôi Giám đốc. Giám đốc đương kim là GS Đào Trọng Thi và GS Nguyễn Văn Đạo làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo của ĐHQGHN (tôi làm Thư ký Hội đồng); GS Nguyễn Văn Đạo cũng còn làm Giám đốc Quỹ NCCB trong KHTN (tiền thân của NAFOSTED ngày nay), và Ban KHCN giúp Chủ tịch Quỹ trong việc điều hành, xét duyệt kinh phí và tài trợ cho các đề tài, cho các nhà khoa học đi dự HN, Hội thảo ở trong và ngoài nước.

Những lần GS Nguyễn Văn Đạo chủ trì Hội đồng KHĐT, các GS đều tham gia đông đủ, sôi nổi và khi GS phát biểu cả hội nghị im phăng phắc.

Tôi đã đóng quyển kết luận 10 phiên họp Hội đồng KHĐT do GS Nguyễn Văn Đạo chủ trì và còn lưu trữ đến ngày nay.

Những chủ đề của các phiên họp hội đồng KHĐT ngày ấy như xếp hạng đại học; Tiêu chí ĐH nghiên cứu; đào tạo Tài năng, CLC; Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu trong trường đại học; phát triển liên kết đào tạo quốc tế; xây dựng tiêu chí phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn,…đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Là Chủ tịch Hội Cơ học VN, GS đã thành lập ở ĐHQGHN Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng Cơ học để đào tạo đội ngũ giảng viên ngành cơ cho cả nước, lúc đầu chỉ có 2 biên chế. Khi thành lập trường, năm 2004, Trung tâm này về ĐHCN và đã phát triển thành Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa. Tôi làm Chủ nhiệm Bộ môn – Trưởng PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của Khoa này. Sau đó năm 2018, tôi đã thành lập tiếp Khoa Xây dựng Giao thông trên nền tảng Cơ học. Và nay Khoa Cơ kỹ thuật và Tự động hóa và Khoa XDGT đã trở thành 2 Khoa hùng mạnh của ĐHQGHN với quy mô đào tạo lên hàng nghìn sinh viên mỗi năm. Ngành Cơ học nhờ đó tiếp tục phát triển và lớn mạnh và đến ngày nay ngành Cơ kỹ thuật lọt top 500, ngành Engineering của ĐHQGHN lọt top 386 trong bảng xếp hạng QS của thế giới – hương hồn GS có thể tự hào về ngành mình và thế hệ kế cận.

Không chỉ là nhà lãnh đạo có tầm và tài năng của ĐHQGHN, GS Nguyễn Văn Đạo là trí thức lớn, tiêu biểu của cả nước. Tôi vinh dự tham gia BCH TW MTTQVN khóa 5 cùng GS Nguyễn Văn Đạo (1999-2004) khi đó GS là Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc với người Việt Nam ở NN, cuộc họp nào với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, GS cũng được BTC trân trọng bố trí ngồi ngay cạnh các nguyên thủ QG, trong khi các Bộ trưởng còn ngồi cách khá xa. Đủ thấy tâm , tầm vóc và ảnh hưởng của GS với nước nhà và vị thế của ĐHQGHN.

Còn nhớ, tôi khi đó là Bí thư chi bộ Ban KHCN và Tạp chí Khoa học, và GS Nguyễn Văn Đạo là đảng viên của chi bộ, nhưng lần sinh hoạt nào, GS cũng tham dự rất đầy đủ và gương mẫu. Lần cuối trước khi mất, là GS bay từ HCM ra HN để dự cuộc họp thường kỳ của chi bộ vào thứ 3 tuần sau, thì chiều tối thứ 7, GS bị tai nạn và qua đời (khi tôi đến nhà riêng thắp hương cho GS, Giấy mời họp chi bộ do tôi ký vẫn còn trên bàn làm việc của GS như kỷ vật những ngày làm việc cuối cùng của thầy). Đóng góp quan trọng nhất của GS với tư cách trí thức cho các văn kiện của Đảng những năm ấy, là, theo GS Nguyễn Văn Đạo – Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam (thêm chữ dân tộc Việt Nam, không chỉ tiên phong của mỗi giai cấp công nhân) – câu này sau đó đã được sửa đổi và đưa vào điều lệ.

Với tôi, lúc đầu chưa hiểu, GS rất khắt khe, nhưng càng làm việc lâu, càng gần gũi, GS càng hiểu tôi, càng thương càng quý. GS là người công tâm, thẳng thắn, yêu và mến mộ nhân tài – “yêu ai như lửa cháy, ghét ai như bão giông”. Là Chủ tịch HĐ KH ĐT của ĐHQGHN và cũng là Chủ tịch Hội Cơ học VN – với tôi GS còn là đồng nghiệp. Đi công tác nước ngoài ở đâu về GS cũng chuyển cho tôi tài liệu để tôi lĩnh hội và lưu giữ – như muốn gửi gắm niềm tin và hy vọng. Chính GS là người ngay tại giữa Đại hội Đảng bộ 2005 đã đề xuất và giới thiệu tôi tham gia Đảng ủy ĐHQGHN (ngày đó Ban KHCN không có cơ cấu Đảng ủy; tất nhiên tôi đã cảm ơn và từ chối, nhưng tôi rất biết ơn GS vì điều đó).

Được gần gũi và làm việc gần GS Nguyễn Văn Đạo là một vinh dự và may mắn lớn với tôi. Tôi cũng may mắn là người duy nhất còn ở nhà điều hành VNU và làm việc đến nay với đủ 6 đời Giám đốc – cả một kho tư liệu sống về ĐHQGHN.

GS Nguyễn Văn Đạo luôn nói với chúng tôi, ĐHQGHN có tầm vóc xứng đáng hay không, là nhờ ở đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành. Theo GS kể lại, ngày mới thành lập ĐHQGHN không phải ai cũng hiểu và ủng hộ, trong đó có nguyên CTN TĐL chưa hiểu và chưa ủng hộ mô hình ĐHQG, nhưng GS Nguyễn Văn Đạo đã dẫn một đoàn 5 GS nổi tiếng như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng,…đến thẳng nhà riêng gặp CTN, và sau gần 3 giờ đàm đạo, CTN đã được thuyết phục. Ngày ĐHQGHN có dấu Quốc huy, GS và mọi người cầm dấu trên tay cảm động rưng rưng – dấu rơi xuống nền gạch, nên con dấu đồng đầu tiên của ĐHQGHN hơi méo chút là vì lẽ đó.

Về con người, GS Nguyễn Văn Đạo cũng là người nóng tính, rất yêu dân ca quan họ, yêu thế hệ trẻ và làm việc không biết mệt mỏi, tâm huyết với ĐHQGHN, với ngành Cơ học VN và đầy hoài bão. Còn nhớ năm 2005, tháp tùng GS đi Hàn Quốc, trên đường từ sân bay về , GS đã đến thẳng Bộ KHCN để bàn bạc về việc nghiên cứu chế tạo sản xuất máy bay tại VN.

Năm 2008, ĐHQGHN có tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 1 năm ngày mất của GS ở Hội trường Lê Văn Thiêm, 19 Lê Thánh Tông HN, tôi có vinh dự được chỉ định làm Trưởng Ban Tổ chức của Hội thảo này.

Nhân 85 năm ngày sinh GS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN, Chủ tịch đầu tiên Hội Cơ học Việt Nam, xin viết lên đây mấy dòng này như một nén tâm hương tưởng nhớ đến Thầy – thế hệ trí thức vàng của Việt Nam.

Trong ảnh: Tôi và anh Hoàng Dũng (khi đó là Trưởng ban KHCN VNU HCM, chị Hà – nay là Vụ phó vụ KHTN-XH của Bộ KHCN) trong chuyến tháp tùng GS Nguyễn Văn Đạo sang Hàn Quốc năm 2005. Trong đó có ảnh GS Nguyễn Văn Đạo đang đàm đạo với President viện KIST và ảnh GS Nguyễn Văn Đạo đang đàm đạo với Mr. Kim, President Quỹ Nghiên cứu Phát triển của Hàn Quốc thời ấy).

Mới đó, mà đã 17 năm !

Nguyễn Đình Đức

Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , .