Phát huy hiệu quả Quỹ phát triển khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp

“Phát huy hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp là một trong những chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực sản xuất – nơi giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Vì vậy, Luật sửa đổi lần này cần đi theo hướng linh hoạt hóa phạm vi sử dụng quỹ, giảm thủ tục, tăng khuyến khích,… và tạo cơ chế quản lý thân thiện, minh bạch hơn”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

PetroTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) để hiểu rõ hơn những bất cập trong thực tiễn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tại doanh nghiệp hiện nay. Từ góc nhìn thực tiễn và hoạch định chính sách, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, thân thiện hơn với doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết với viện – trường và tạo động lực khai phóng nguồn lực xã hội cho đổi mới sáng tạo.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thực tiễn của các Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp trong thời gian qua? Những vướng mắc phổ biến là gì và cần tháo gỡ ra sao trong lần sửa đổi luật này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP là một chủ trương đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo – yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả triển khai các Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp còn khá hạn chế.

Một mặt, tỷ lệ doanh nghiệp thực sự sử dụng Quỹ này để đầu tư cho nghiên cứu hay đổi mới công nghệ vẫn rất thấp. Mặc dù mỗi năm các doanh nghiệp đã trích lập hàng nghìn tỷ đồng vào quỹ theo quy định, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó được đưa vào sử dụng đúng mục tiêu. Không ít doanh nghiệp để quỹ “đóng băng” trong tài khoản hoặc xin hoàn nhập sau 5 năm do không có phương án khả thi. Mặt khác, tác động thực sự của quỹ đến năng lực đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm hay nâng cao giá trị chuỗi sản xuất của doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn rất mờ nhạt.

Theo tôi, để Quỹ phát triển KH&CN thực sự phát huy vai trò là động lực cho đổi mới sáng tạo trong khu vực sản xuất, trong lần sửa đổi luật này cần tập trung tháo gỡ một số rào cản chính:

Thứ nhất, cần linh hoạt hóa các quy định liên quan đến việc sử dụng quỹ. Hiện các thủ tục còn quá phức tạp, nặng về hành chính, giống như quy trình của viện nghiên cứu, không phù hợp với môi trường vận hành linh hoạt của doanh nghiệp. Phạm vi sử dụng quỹ cũng cần được mở rộng, cho phép chi cho nhiều hoạt động thiết thực hơn như thuê chuyên gia, mua phần mềm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực hay thử nghiệm sản phẩm… thay vì chỉ giới hạn trong các đề tài nghiên cứu, phát triển (R&D) truyền thống.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thứ hai, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, viện – trường và doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp “tự làm” R&D trong điều kiện thiếu nền tảng nghiên cứu cơ bản và không kết nối với các đơn vị khoa học là nguyên nhân khiến hiệu quả thấp. Vì vậy, nên thiết kế cơ chế “đồng tài trợ, đồng nghiên cứu”, ví dụ như quỹ matching fund, hay hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia từ Nhà nước.

Thứ ba, cần tháo gỡ tâm lý e ngại từ phía doanh nghiệp trong việc sử dụng quỹ do lo ngại rủi ro về thuế hoặc hậu kiểm. Luật nên quy định rõ ràng, đơn giản và thân thiện hơn, đồng thời chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, với cơ chế giám sát minh bạch nhưng hỗ trợ thay vì gây áp lực.

Cuối cùng, cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ và thực chất hơn. Doanh nghiệp chỉ đầu tư cho KH&CN khi thấy rõ lợi ích. Luật nên bổ sung thêm ưu đãi thuế vượt trội, hỗ trợ tài chính, và các chương trình “đặt hàng công nghệ” từ phía Nhà nước để tạo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh thị trường công nghệ trong nước còn non trẻ.

PV: Theo ông, việc bổ sung cơ chế giao nhiệm vụ KH&CN trực tiếp trong dự thảo Luật có phù hợp với xu hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp hiện nay không? Đồng thời, ông đánh giá như thế nào về đề xuất bổ sung quy định này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Tôi cho rằng việc bổ sung cơ chế giao nhiệm vụ KH&CN trực tiếp là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiện nay, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt, cơ hội đổi mới sáng tạo diễn ra rất nhanh và không thể chờ đợi quy trình thủ tục hành chính phức tạp. Doanh nghiệp, nhất là những đơn vị có tiềm lực, cần cơ chế linh hoạt để triển khai kịp thời các sáng kiến, giải pháp, sản phẩm mới – điều mà các thủ tục đấu thầu hoặc xét duyệt truyền thống thường không đáp ứng được.

Cơ chế giao nhiệm vụ trực tiếp cũng cho phép lựa chọn đúng đơn vị có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với tính chất cụ thể của đề tài hoặc dự án. Đặc biệt, đối với các nhiệm vụ có tính cấp thiết cao, yêu cầu công nghệ nhanh, hướng đến thương mại hóa sớm, thì đây là phương thức hiệu quả, tăng tính chủ động, giảm độ trễ trong tổ chức thực hiện.

Riêng với đề xuất cho phép giao nhiệm vụ trực tiếp đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước sử dụng Quỹ phát triển KH&CN, tôi hoàn toàn ủng hộ. Cơ chế này có thể tháo gỡ nhiều vướng mắc thực tiễn hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, tránh để vuột mất các thời cơ đầu tư công nghệ quan trọng, nhất là trong những lĩnh vực đang thay đổi nhanh như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, pin thế hệ mới… Nếu không có cơ chế linh hoạt, doanh nghiệp trong nước rất khó đuổi kịp xu hướng toàn cầu.

Thứ hai, giúp gỡ “nút thắt” thủ tục và tăng hiệu quả sử dụng Quỹ. Thực tế cho thấy nhiều tập đoàn nhà nước đã trích lập hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ phát triển KH&CN, nhưng do vướng thủ tục nên không thể giải ngân, dù nhu cầu nghiên cứu – phát triển rất lớn.

Thứ ba, cơ chế này sẽ phát huy vai trò dẫn dắt, lan tỏa công nghệ của các tập đoàn lớn – những đơn vị có lợi thế về tài chính, thị trường, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Nếu được trao quyền chủ động, họ có thể đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, từ đó lan tỏa hiệu quả tới toàn hệ sinh thái doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để cơ chế giao nhiệm vụ trực tiếp thực sự hiệu quả và không bị lạm dụng, cần thiết kế những ràng buộc cụ thể, minh bạch: Xác định rõ mục tiêu, đầu ra và cam kết ứng dụng kết quả; Có hội đồng khoa học độc lập thẩm định tính cấp thiết, lộ trình thực hiện; Áp dụng cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm, giảm thiểu thủ tục nhưng vẫn đảm bảo giám sát hiệu quả; Ưu tiên các nhiệm vụ có tiềm năng thương mại hóa, giải quyết các bài toán thực tiễn của ngành/lĩnh vực.

Nghị quyết số 57 đã xác định đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp then chốt để phát triển nhanh, bền vững và tự chủ. Muốn thực hiện thành công Nghị quyết này, chúng ta cần một hệ thống chính sách tài chính thực sự phù hợp, đủ mở và đủ hấp dẫn.

PV: Dự thảo Luật quy định tỷ lệ trích tối đa 5% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển KH&CN. Theo ông, mức trần này có còn phù hợp với các doanh nghiệp lớn có nhu cầu đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển không? Có ý kiến đề xuất nâng tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển KH&CN đối với những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt để nâng cao hiệu quả nghiên cứu. Ông đánh giá đề xuất này ra sao và nên điều chỉnh theo hướng nào cho phù hợp?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, mức trần 5% thu nhập tính thuế để trích lập Quỹ phát triển KH&CN hiện nay nhìn chung vẫn phù hợp với đa số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp công nghệ cao có năng lực tài chính mạnh và định hướng đầu tư bài bản vào nghiên cứu – phát triển (R&D), thì mức trần này đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế nhất định.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vào hoạt động R&D – không chỉ để cải tiến công nghệ hiện có mà còn phát triển các sản phẩm công nghệ lõi, xây dựng hạ tầng nghiên cứu chuyên sâu, thúc đẩy sáng tạo mang tính đột phá. Mức trần 5% rõ ràng không còn đủ dư địa để nuôi dưỡng các chương trình mang tầm chiến lược như vậy. Đối với các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt thị trường, mức trần hiện hành thậm chí có thể trở thành rào cản cho việc chủ động đầu tư cho tương lai.

Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất nâng tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển KH&CN đối với những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt. Việc này sẽ tạo động lực, cũng như mở rộng quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc phân bổ nguồn lực cho đổi mới sáng tạo – vốn là yếu tố sống còn của các lĩnh vực như công nghệ cao, sản xuất thông minh, y tế, năng lượng mới, quốc phòng…

Tuy nhiên, chính sách cũng cần được thiết kế linh hoạt, theo hướng phân tầng phù hợp với quy mô và năng lực của từng nhóm doanh nghiệp. Ví dụ, vẫn có thể giữ nguyên mức 5% đối với doanh nghiệp thông thường, trong khi cho phép các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp có chứng nhận R&D hoặc có liên kết với viện – trường, các startup công nghệ… được trích lập ở mức cao hơn, có thể đến 10%, hoặc vượt trần trong một số trường hợp đặc biệt được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng dự thảo Luật nên mở cơ chế “tùy chọn nâng trần”. Theo đó, 5% được coi là mức nền tối thiểu được khấu trừ thuế trực tiếp, còn các doanh nghiệp muốn trích lập cao hơn thì cần công khai kế hoạch R&D rõ ràng, thực hiện hậu kiểm minh bạch dựa trên kết quả đầu ra như sản phẩm mới, bằng sáng chế, thương mại hóa công nghệ hay hiệu quả lan tỏa.

Điểm quan trọng là chuyển từ tư duy “tiền kiểm” rườm rà sang “hậu kiểm thông minh”, tức là đánh giá hiệu quả đầu tư không phải bằng việc rà soát hồ sơ, thủ tục, mà bằng những kết quả cụ thể, có khả năng tạo giá trị thực tế cho nền kinh tế.

Đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu muốn khơi thông tiềm lực này từ khối doanh nghiệp, chúng ta phải có cơ chế tài chính đủ linh hoạt, đủ mở và đủ hấp dẫn. Mức trần 5% nên được coi là nền tảng, chứ không phải giới hạn cứng. Việc cho phép doanh nghiệp có năng lực tài chính và chiến lược R&D rõ ràng được trích lập cao hơn sẽ không chỉ giải phóng nguồn lực cho đầu tư công nghệ, mà còn góp phần hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh, làm nền tảng cho một nền kinh tế tự chủ và bền vững trong tương lai.

PV: Liệu có cần thiết xây dựng cơ chế khuyến khích linh hoạt hơn cho việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN như ưu đãi thuế, công nhận chi phí hợp lệ… để tăng tính hấp dẫn? Chính sách để thu hút, giữ chân và tạo động lực cho nhà khoa học… ?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, việc xây dựng cơ chế khuyến khích linh hoạt hơn cho việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp, đặc biệt là trong các tập đoàn nhà nước, không chỉ cần thiết mà thậm chí đã trở thành một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ KH&CN với quy mô lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng lại rất thấp. Một trong những nguyên nhân cốt lõi chính là sự thiếu vắng các cơ chế khuyến khích thực sự linh hoạt, hấp dẫn và phù hợp với thực tiễn đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Cần nhìn nhận rằng, bản chất của Quỹ phát triển KH&CN là nguồn lực tài chính được doanh nghiệp dành riêng cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Nếu quỹ này bị bó buộc bởi quá nhiều thủ tục, quy định cứng nhắc, thì rất khó để doanh nghiệp sử dụng một cách hiệu quả. Ngược lại, nếu có cơ chế linh hoạt, phù hợp, đây sẽ là công cụ rất hữu hiệu để doanh nghiệp đầu tư chiều sâu vào công nghệ, đồng thời tạo động lực cho đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư và các nhóm nghiên cứu – lực lượng then chốt của nền kinh tế tri thức.

Về đề xuất miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập của nhà khoa học từ Quỹ phát triển KH&CN do tập đoàn nhà nước tài trợ, tôi hoàn toàn ủng hộ. Đây là một bước đi vừa thiết thực, vừa có tính chiến lược và nhân văn.

Có ba lý do chính cho đề xuất này: Thứ nhất, đây là một biện pháp khuyến khích tài năng rất thiết thực. Việc miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động nghiên cứu không chỉ mang lại lợi ích tài chính, mà còn là một sự ghi nhận, tôn vinh trí tuệ và đóng góp của các nhà khoa học – điều mà nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng rộng rãi.

Thứ hai, chính sách ưu đãi thuế sẽ góp phần giải quyết bài toán “chảy máu chất xám”. Trong thực tế, nhiều chuyên gia giỏi lựa chọn làm việc tại các tổ chức nước ngoài hoặc khu vực tư nhân quốc tế vì chế độ đãi ngộ tốt hơn. Nếu các tập đoàn nhà nước có chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, đặc biệt từ nguồn Quỹ phát triển KH&CN, thì hoàn toàn có thể thu hút và giữ chân đội ngũ chuyên gia hàng đầu, thậm chí mời gọi Việt kiều hoặc chuyên gia quốc tế tham gia các chương trình nghiên cứu trọng điểm trong nước.

Thứ ba, chính sách này góp phần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người làm khoa học. Thực chất, các khoản chi trả từ Quỹ KH&CN đều được trích lập hợp pháp từ lợi nhuận của doanh nghiệp, nên việc miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học không gây ra thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ngược lại, hiệu quả lâu dài là vô cùng lớn, từ việc tăng năng suất lao động, gia tăng năng lực công nghệ đến nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Tôi cũng cho rằng, cần cân nhắc thêm việc mở rộng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN. Đây sẽ là một công cụ chính sách vừa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, vừa giúp Nhà nước định hướng nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ ưu tiên.

Nghị quyết số 57 đã xác định đầu tư cho KH&CN là giải pháp then chốt để phát triển nhanh, bền vững và tự chủ. Muốn thực hiện thành công nghị quyết này, chúng ta cần một hệ thống chính sách tài chính thực sự phù hợp, đủ mở và đủ hấp dẫn. Việc miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với nhà khoa học từ nguồn Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước, là một bước đi rất cần thiết – không chỉ thể hiện sự tôn trọng trí tuệ, mà còn là đầu tư đúng đắn cho tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đình Khương

Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , , , , , , , , , , .