Ra mắt Câu Lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

Ngày 20.12.2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ ra mắt Câu Lạc Bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”.

Câu Lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực  Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam trao Quyết định thành lập Câu Lạc Bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam tới GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Trong lễ ra mắt Ban chủ nhiệm CLB hôm nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhấn mạnh: “Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như: thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ đại học; mô hình đại học – trường đại học ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học; xây dựng đại học số của Việt Nam; Xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế và bối cảnh CMCN 4.0; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam; nghiên cứu hỗ trợ học sinh tự kỷ trong giáo dục đại học,…

Câu lạc bộ cũng sẽ nghiên cứu thảo luận về các chủ đề rất thiết thực như: đổi mới chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng trong các cơ sở GDĐH; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; chia sẻ tài nguyên, học liệu trong hệ thống giáo dục đại học; giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng các hoạt động NCKH của các cơ sở GDĐH nhằm đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho biết, sự ra đời Câu Lạc bộ này là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Đảm bảo chất lượng của các Trường Đại học ngày hôm nay. Tôi cho rằng, chỉ có sự đồng hành của các Trường Đại học, Các doanh nghiệp và Các cơ quan quản lý thì chúng ta mới có thể xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến tại Việt Nam và là cái gốc để xây dựng một tương lai tươi sáng cho lực lượng lao động Việt Nam. Chỉ có như vậy, thì chúng ta mới có thể vươn lên thành các trường đại học có đẳng cấp quốc tế, vươn lên thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ có như thế Việt Nam mới vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu”. 

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 15 người, đại diện cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước. Ban Thư ký sẽ do Chủ nhiệm Câu lạc bộ quyết định thành lập.

Thành viên của Câu lạc bộ (CLB) là các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), cao đẳng, các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tham gia nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong các cơ sở GDĐH, bao gồm các hoạt động: tuyển sinh, phát triển chương trình, giáo trình, cập nhật tài liệu chuyên môn, đổi mới phương pháp và công nghệ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên và phục vụ cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để phát huy tốt ảnh hưởng của các trường có lợi thế; hỗ trợ các trường còn khó khăn, góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng GDĐH của Việt Nam.

Các đại biểu tại hội nghị 

Tại lễ ra mắt, Ban tổ chức đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”, các báo cáo tham gia hội thảo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học và đại học số trong thời đại ngày nay; đến chuyển đổi số trong giáo dục, sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường – đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho giáo dục đại học.

Từ thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo; chuẩn đầu ra; phương pháp dạy và học mới; cũng như các tiêu chuẩn những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu.

Các chuyên gia cho rằng, trong báo cáo về kiểm định chất lượng nhận định từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi và ra đời Nghị định 81, bên cạnh việc kiểm định cơ sở đào tạo, các trường đã rất tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Về tổng thể có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh ra các học phần.

Báo cáo tại Hội thảo cũng đề cập đến tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Khi được kiểm định theo chuẩn quốc tế, người tốt nghiệp đại học từ trường y quốc tế được WFME công nhận, có thể tiếp tục theo học chương trình       nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,…

Nhật Hồng

Posted in Tin tức and tagged , , , , , , , , , , .