Vietnamplus (ngày 27.12.2016) trân trọng giới thiệu bài viết của giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức – chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu và Kết cấu tiên tiến. Ông đã công bố 200 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có 80 bài trên các tạp chí quốc tế ISI. Ông đã từng là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, và cũng là người có nhiều sáng kiến và trải nghiệm trong công tác quản lý giáo dục đại học. Hiện nay, giáo sư Nguyễn Đình Đức là Trưởng Ban Đào tạo Đại học và Sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội – Đại học lớn, hàng đầu của cả nước.
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Việt Nam cần có chiến lược và đẩy nhanh đổi mới giáo dục đại học để thế hệ trẻ Việt Nam có thể nắm bắt và tận dụng được vận hội trong cuộc cách mạng này.
Cách mạng công nghiệp- cơ hội cho phát triển
Lịch sử thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cuối thế kỷ 18, đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ hơi nước và năng lượng nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã thay đổi diện mạo nền công nghiệp thế giới với việc cơ giới hóa sản xuất, mở ra kỷ nguyên sản xuất cơ khí.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 nổ ra ở giai đoạn sau của thế kỷ 19, khởi nguồn là sự bùng nổ của kỹ thuật điện, dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt. Casinoslot giriş
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 là thời điểm bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ thông tin bắt đầu bùng nổ nhanh chóng và quá trình sản xuất được tự động hóa dựa trên hệ thống quản lý máy tính, được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân và Internet.
Thời điểm hiện tại là giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng này được hình thành trên nền tảng thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng thứ 3, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa-robot, và Internet of Things (IoT).
Sự dịch chuyển khoa học kỹ thuật này mới bắt đầu và rục rịch chuyển mình, nhưng sẽ phức tạp và phạm vi ảnh hưởng vô cùng sâu rộng, sẽ phát triển và lan truyền với tốc độ chưa từng có tiền lệ so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. smm panel
Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động. Khi công nghệ tiên tiến với robot và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên, khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng giữa những đối tượng cung cấp vốn tài chính và vốn tri thức (các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư) và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động (người lao động).
Ưu thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam tại thời điểm hiện tại sẽ trở thành bất lợi lớn cho sự phát triển công nghiệp của đất nước giai đoạn mới. Viễn cảnh đó đặt ra thách thức Việt Nam phải đổi mới, cải thiện cơ cấu hoặc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với cả doanh nghiệp và chính phủ.
Ưu thế và 5 hành động thiết thực
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, về mặt giáo dục, khả năng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam đứng trước yêu cầu đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như khoa học về vật liệu mới tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, lưu trữ năng lượng…
Các cơ sở đào tạo gặp khó khăn do nhu cầu nhân lực của thị trường lao động khó dự đoán, tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra thần tốc. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp một môi trường thực hành cao giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp.
Để tận dụng được những cơ hội này, theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, ngay từ bây giờ, phải cấp bách triển khai những vấn đề sau:
Một là, phải xây dựng một triết lý mới về giáo dục đại học, sao cho rõ ràng, dễ hiểu dễ vận dụng.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết, khi ông dự hội nghị quốc tế ACCMS TM 2016 tại Ấn Độ, ngay tại hội trường lớn nhất của RMS University, có một khẩu hiệu lớn “LEARN, LEAP, LEAD” (tạm dịch là học, nắm bắt cơ hội và nhảy vọt, dẫn dắt và lãnh đạo). Theo ông, đó có thể là triết lý giáo dục đại học, là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo nhằm đào tạo, chuẩn bị hành trang từ trong tiềm thức đến hành động cho thế hệ trẻ tương lai của Ấn Độ.
“Tôi thấy nội dung của triết lý này rất phù hợp với thời điểm hiện tại của những nước mà thế hệ trẻ hiếu học và có tiềm năng về tư duy logic và trừu tượng, giỏi toán và trí tuệ như Việt Nam,” giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Hai là, cần có quy hoạch ngành nghề cho tương lai. Việt Nam cũng cần đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông, trí tuệ nhận tạo và năng lương mới, công nghệ sinh học…
Ba là, cần xây dựng những mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực. Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo cử nhân tài năng trong lĩnh vực khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học và công nghệ sinh học…
Trong thời gian tới cần triển khai đầu tư đào tạo kỹ sư tài năng về công nghệ thông tin, mạng máy tính, tự động hóa, cơ điện tử. Một trong những mô hình hay là đào tạo “kỹ sư toàn cầu” – khái niệm kỹ sư hoàn toàn mới, đã bắt đầu được đào tạo tại Nhật Bản từ 2015, tại Tokyo Institute of Technology (GSEP: Global Scientists and Engineers Program).
Chương trình đào tạo này có các kiến thức liên ngành về toán học, vật lý, cơ học cộng với nền tảng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phát triển bền vững – và hoàn toàn có thể tiên phong triển khai ở hai Đại học Quốc gia và một số cơ sở đào tạo lớn khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng…
Bốn là, khẩn trương xúc tiến đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và gây dựng để Việt Nam có nhân tài, có những nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành xuất sắc trong các lĩnh vực này.
Năm là, để triển khai các giải pháp trên, chúng ta cần có những đột phá về cơ chế chính sách. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần gắn đào tạo với nghiên cứu trình độ cao và hoạt động phục vụ thực tiễn. Có lẽ hoạt động nghiên cứu và các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu đất nước hiện nay không chỉ là nghiên cứu cơ bản, mà còn phải là “Biến ước mơ thành hiện thực.” Muốn như vậy, có lẽ chúng ta phải có những đột phá trong chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài.
Đầu tư đột phá cho nền tảng giáo dục, nghiên cứu
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, các quốc gia Mỹ, Anh và các nền kinh tế công nghiệp phát triển đã tận dụng và nắm bắt được cơ hội ngay từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Những nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn độ… đã tận dụng khá thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và có những bước nhảy vọt về kinh tế trong vài thập kỷ qua. Giờ là vận hội, thời cơ của Việt Nam nếu chúng ta biết thích ứng và đón nhận được cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức dẫn một ví dụ thành công từ Hàn Quốc về việc họ quyết tâm và mạnh dạn đầu tư đột phá cho Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến (KIST) trong những năm 60 của thế kỷ 20. Đến nay, viện KIST đã trở thành viện nghiên cứu công nghệ cao hàng đầu của Hàn Quốc và một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của thế giới, có vai trò dẫn dắt và đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển Hàn Quốc ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.
Để thích ứng, đồng thời lại tận dụng và nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh rằng cần đổi mới chiến lược phát triển, có kế hoạch thu hút – trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình kinh doanh phù hợp song song kết hợp với đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời nghiên cứu ở trình độ cao với các chính sách đầu tư trọng điểm và đột phá chính là kế sách của Việt Nam để tạo bước đột phá trên nền tảng bền vững./.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN